Thượng đế và các nhà khoa học
Trong suốt tiến trình lịch sử, ý nghĩa của từ này đã được biến hoá theo mức độ tri thức của con người. Đối với các nhà khoa học và triết gia hiện đại, từ Thượng đế chỉ còn mang ý nghĩa của từ “thiên nhiên” (nature), hoặc những định luật vật lý, không còn là một hữu thể có ý chí tự do. Ngay cả tĩnh từ “có xác tín tôn giáo” (religious) cũng mang một ý nghĩa khác hẳn. Nó không còn ý nghĩa có một tôn giáo rõ rệt. Đối với họ, có xác tín tôn giáo chỉ là rung động, ngưỡng mộ, và cảm hứng trước vẻ đẹp của thiên nhiên; hoặc đó là lòng thán phục trước sự vi diệu của sự sống.
Một vài con số thống kê
Ở Mỹ, có đến 90% dân chúng tin Thượng đế hiện hữu. Nhưng trong nhóm những người có học thức cao, con số tỉ lệ đó giảm xuống còn 40%, dưới mức trung bình. Nếu xét riêng tập thể của những nhà khoa học danh tiếng, con số tỉ lệ đó còn giảm xuống ở mức đáng ngạc nhiên hơn nữa. Một cuộc nghiên cứu thăm dò của Larson và Witham, được đăng trong tạp chí “Tự nhiên” (Nature) năm 1998, ghi nhận rằng chỉ có 7% những nhà khoa học Mỹ có tên trong hội Hàn lâm Khoa học Quốc gia (National Academy of Sciences) là tin vào một Thượng đế có nhân tính; nghĩa là có đến 93% các nhà khoa học là những người vô thần. [1] Như vậy, con số tỉ lệ của những nhà khoa học hữu thần hiện có khuynh hướng giảm dần theo thời gian: từ 29% năm 1914 xuống 15% năm 1933, và chỉ còn 7% năm 1998. [2]
Richard Dawkins tìm thấy một trang báo điện tử duy nhất liệt kê những nhà khoa học Kitô giáo thắng giải Nobel (Nobel Prize-winning Scientific Christians). Trang báo chỉ trưng ra được 6 khoa học gia trong số nhiều trăm khoa học gia đã thắng giải. Nhưng sau khi xem xét kỹ lưỡng, Dawkins nhận thấy 4 trong 6 vị đó chưa bao giờ thực sự thắng giải, và một vị, theo sự hiểu biết chắc chắn của Dawkins, là người-không-tin (non-believer) vì chỉ đi nhà thờ để thoả mãn nhu cầu giao tế xã hội. [3]
Một nghiên cứu có hệ thống của Benjamin Beit-Hallahmi còn ghi nhận rằng, “trong số những người thắng giải Nobel ở các lĩnh vực khoa học và văn chương, có một mức độ vô tín ngưỡng rõ rệt (remarkable degree of irreligiosity) sánh với đại chúng mà họ xuất phát”. [4]
Tại Anh vừa có một cuộc nghiên cứu thăm dò về niềm tin của những khoa học gia trong hội Hoàng gia (Royal Society). Hội Hoàng gia này, tương đương với hội Hàn lâm Khoa học Quốc gia ở Mỹ, có uy tín và thẩm quyền tối cao trong lĩnh vực khoa học. Mặc dù cuộc nghiên cứu đã hoàn chỉnh nhưng kết quả hiện chưa được công bố chính thức. Elisabeth Cornwell và Michael Stirrat, là hai đồng nghiệp của Dawkins, đã cho phép Dawkins tóm tắt kết quả nghiên cứu trong cuốn sách của ông, “The God Delusion”, mới xuất bản năm 2006. Trong tất cả 1.074 khoa học gia của hội Hoàng gia (Fellows of the Royal Society) được gửi câu hỏi qua điện thư, có 23% khoa học gia đã trả lời. Đây là một con số tỉ lệ tương đối cao nếu so sánh với các cuộc nghiên cứu thăm dò khác. Trong bản thăm dò, để trả lời cho câu hỏi ông có tin một Thượng đế có nhân tính (personal God) tồn tại hay không, người trả lời phải chọn 1 trong 7 nấc thang tuỳ vào mức độ tin nhiều hay ít. Hoàn toàn tin thì số 7, còn hoàn toàn không tin thì số 1. Có 3.3% chọn số 7, nghĩa là hoàn toàn tin; và 78.8% chọn số 1, nghĩa là hoàn toàn không tin. Nếu định nghĩa những người vô thần là những người chọn số 1 và số 2, còn những người hữu thần là những người chọn số 6 và số 7, thì kết quả có 213 khoa học gia vô thần và 12 khoa học gia hữu thần. Như vậy, con số tỉ lệ của những khoa học gia vô thần của hội Hoàng Gia tại Anh quốc còn cao hơn con số tỉ lệ của hội Hàn lâm Khoa học Quốc gia ở Mỹ. Kết quả còn cho thấy có một khuynh hướng, mặc dù nhỏ nhưng lại có nhiều ý nghĩa, rằng những nhà sinh vật học thì vô thần hơn những nhà vật lý học. [5]
Kết quả của các cuộc nghiên cứu thăm dò nêu trên đã xác định một khuynh hướng rất rõ rệt rằng, càng có trình độ tri thức cao, hoặc càng có hiểu biết nhiều về khoa học, thì niềm tin vào sự tồn tại của một Thượng đế có nhân tính càng giảm theo tính luỹ thừa.
Những ngộ nhận có chủ ý
Có hai tên tuổi khoa học gia sáng giá nhất mà các nhà tôn giáo hay lạm dụng nêu ra như là bằng chứng để chứng minh cho lập luận có Thượng đế. Đó là Albert Einstein và Isaac Newton. Đây là một thứ lập luận nguỵ biện (fallacy), phải dựa trên uy tín của những nhà khoa học danh tiếng được quần chúng ngưỡng mộ. Họ lập luận rằng, bạn nghĩ bạn là ai mà dám không tin có Thượng đế tồn tại, trong khi những người thông minh xuất chúng như họ còn đang cần phải bám víu vào một Thượng đế.
Các nhà tôn giáo cho rằng Albert Einstein (1879-1955) là một nhà hữu thần bằng cách trích dẫn rời rạc ra khỏi văn cảnh các tuyên bố của ông mang dấu vết của những từ “Thượng đế” và “tôn giáo”. Chẳng hạn như những câu “khoa học không tôn giáo thì khập khiểng, tôn giáo không khoa học thì mù quáng”, hoặc “Thượng đế không chơi lắc xí ngầu”, hoặc “Thượng đế đã có sự lựa chọn hay không khi tạo dựng vũ trụ?”, hoặc “sự may rủi không nằm ở trong mọi sự vật”.
Thực ra, những câu như vậy chỉ là lối diễn tả trong văn chương thi phú của người theo thuyết Phiếm thần (pantheist) hơn là người hữu thần (theist). Người theo thuyết Phiếm thần là người không tin có một đấng sáng tạo toàn năng và hay can thiệp vào công việc của con người. Họ dùng từ Thượng đế để chỉ về thiên nhiên hay những qui luật vật lý trong vũ trụ. Nhiều khi người ta gọi họ là kẻ “ngoại đạo”, hàm ý khinh thường những niềm tin nằm ngoài Kitô giáo. Chính Einstein đã tỏ ra bực bội khi người ta gán ghép cho ông là người hữu thần, và ông đã xác nhận lập trường vô thần của ông rất rõ ràng trong đoạn văn sau:
“Dĩ nhiên, đó là lời nói láo khi người ta bàn về niềm tin tín ngưỡng của tôi. Lời nói láo đó đang được lặp đi lặp lại một cách có hệ thống. Tôi không tin vào một Thượng đế có nhân tính, và tôi không bao giờ chối điều này mà đã tuyên bố nó một cách rất rõ ràng. Nếu điều gì trong tôi có thể được gọi là niềm tin tín ngưỡng, thì đó là sự ngưỡng mộ vô tận về cấu trúc của thế giới tới chừng mực mà khoa học có thể khám phá.” [6]
Vậy, niềm xác tín tôn giáo của Einstein hoàn toàn khác hẳn với nghĩa trong truyền thống qui ước. Để phân biệt rõ ràng hơn, người ta gọi đó là thứ “tôn giáo Einstein” (Einsteinian religion). Chính Einstein cũng đã tự xác nhận:
“Tôi là người-không-tin nhưng có xác tín tôn giáo sâu đậm (deeply religious non-believer). Đây là một thứ tôn giáo mới. Tôi không bao giờ gán cho thiên nhiên một ý định, một mục đích, hoặc bất cứ cái gì có thể được hiểu như vị nhân. Điều tôi nhìn thấy trong thiên nhiên là sự cấu trúc tuyệt mỹ mà chúng ta không thể hiểu hoàn toàn, và điều đó làm tràn ngập những ai có suy nghĩ một cảm giác tuân phục. Đây là cảm giác tôn giáo đích thực, một thứ cảm giác không có liên hệ gì với chủ nghĩa tôn giáo huyền bí. Ý tưởng về một Thượng đế có nhân tính thì hoàn toàn xa lạ đối với tôi, và nó có vẻ ngây ngô.” [7]
Bàn về một quan niệm tín ngưỡng kiểu đó, một nhà sinh vật học vô thần đương đại rất danh tiếng Anh quốc, Richard Dawkins, đã công khai tự xác nhận là chính ông cũng có một xác tín tôn giáo như vậy; nhưng ông không muốn người ta sẽ hiểu lầm ông như đã từng hiểu lầm Einstein nên ông đã thẳng thừng muốn người ta gọi mình là người vô thần.
Ngoài những gì Einstein đã viết, người ta còn có thể nêu lên vô số bằng chứng từ những người đồng thời với ông, họ đã nhân danh tôn giáo phê phán ông. Những bài viết của họ mang nặng dấu vết của sự nhục mạ, kỳ thị, đe dọa, hoặc có ẩn ý chính trị; tuyệt đối không có một lời giải thích nào nghe thuận tai. Một vị sáng lập hiệp hội Tin lành “Calvary Tabernacle Association” ở bang Oklahoma đã viết:
“Thưa giáo sư Einstein, tôi tin mọi người Kitô hữu ở Mỹ sẽ trả lời với ông rằng, ‘chúng tôi sẽ không từ bỏ đức tin của chúng tôi tin vào Thượng đế và con ngài là đức Giêsu Kitô, nhưng chúng tôi mời ông, nếu ông không tin vào Thượng đế của dân tộc quốc gia này, hãy trở về nơi chốn mà ông đã rời bỏ.’” Và “Tôi đã làm tất cả những gì trong quyền hạn của tôi để giúp đỡ dân tộc Do thái, và chỉ bằng một lời tuyên bố qua miệng lưỡi phạm thượng của ông, ông một mình làm hại tới phúc lợi của dân tộc ông hơn tất cả mọi cố gắng của những người Kitô hữu thương yêu quốc gia ông có thể làm để loại bỏ chủ nghĩa bài Do thái ra khỏi đất nước chúng tôi. Thưa giáo sư, mỗi người Kitô hữu ở Mỹ sẽ trả lời với ông ngay rằng, ‘ông hãy mang lý thuyết tiến hoá sai lầm điên khùng của ông về lại Đức quốc nơi ông xuất phát, hay hãy ngừng phá hoại đức tin của những người đã đón tiếp ông khi ông bắt buộc phải rời bỏ phần đất nơi ông được sinh ra.’” [8]
Như vậy, Einstein rõ rệt là một người ngoại đạo theo thuyết Phiếm thần, cũng như Spinoza, chỉ tin vào những định luật bí ẩn của thiên nhiên; hay cường điệu lắm thì ông chỉ là người theo Tự nhiên thần giáo (deist), giống như Voltaire hay Diderot, chứ không phải người hữu thần. Người theo Tự nhiên thần giáo tin có một Thượng đế sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài, nhưng sau khi sáng tạo, ngài không cai quản, bảo hộ và hướng dẫn tạo vật, mà để tạo vật biến chuyển theo những định luật tiến hoá tự nhiên. Thượng đế trong Tự nhiên thần giáo lãnh đạm với những lời cầu xin của con người, và ngài cũng không thưởng phạt con người sau khi chết.
Còn Isaac Newton (1642-1727), lý do duy nhất ông tin vào thuyết Sáng tạo (Creationism) vì ở thời điểm đó ông không giải thích được những chuyển động bất thường của các vì sao chổi. Mặc dù vậy, ông không bao giờ tin việc Thượng đế xen vào tiến trình tiến hoá của vũ trụ. Thượng đế tạo dựng vũ trụ rồi để vũ trụ tự động tiến hoá theo những qui luật vật lý tự nhiên. Những điều bất thường đó ngày nay đã được các nhà Toán học và Vũ trụ học giải thích rất tường tận. [9] Với một quan niệm như vậy thì ta nên gọi Newton là người theo Tự nhiên thần giáo. Hơn nữa, Newton sống giữa thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, thời điểm mà ảnh hưởng của Kitô giáo còn đang rất thịnh hành và thuyết tiến hoá của Charles Darwin giải thích mọi nguồn gốc của sự sống chưa được công bố. Như vậy, không thể xem Newton là người hữu thần theo nghĩa thông thường của từ “theist”: người hữu thần là người tin vào một Thượng đế có nhân tính.
Tóm lại, có thể xem Einstein là người theo thuyết Phiếm thần, cùng lắm là người theo Tự nhiên thần giáo; còn Newton là người theo Tự nhiên thần giáo. Dù là người ngoại đạo theo thuyết Phiếm thần hay người theo Tự nhiên thần giáo, chủ yếu họ đều là những người vô thần.
Một thí dụ điển hình
Trang báo điện tử Thông tấn xã Công giáo Việt Nam (VietCatholicNews) còn đang đăng một bản tin của tác giả Nguyễn Việt Nam, viết ngày 26/08/2005, có tựa đề “Hơn 100 nhà vật lý từng đoạt giải Nobel: Thuyết tiến hoá của Darwin không có cơ sở khoa học”. [10] Đọc một bản tin với cái tựa như vậy, độc giả không khỏi có một vài nghi vấn:
Kể từ ngày có giải Nobel Vật lý học năm 1901 cho đến ngày có hội nghị năm 2005, một khoảng thời gian dài hơn một thế kỷ, tổng số người thắng giải chỉ có 173 vị. [11] Điều đó làm độc giả khó có thể tưởng tượng được rằng hiện có hơn 100 nhà vật lý từng đoạt giải Nobel còn đang sống và “đã lên tiếng trong một hội nghị khoa học tại Helsinki, Phần Lan, tổ chức hôm 12/8/2005 là thuyết tiến hoá không có cơ sở khoa học…”
Trong toàn bản tin, độc giả không tìm được một lời “đã lên tiếng” của bất cứ nhà khoa học nào. Chỉ một mình Tổng Giám Mục (TGM) Barry James Hickey, giáo phận Perth, Úc châu, là người “đã lên tiếng” duy nhất. Riêng việc các nhà vật lý học lại đi bàn về thuyết tiến hoá của Sinh vật học, một lĩnh vực không thuộc thẩm quyền chuyên môn của họ, cũng là việc không bình thường.
Những lời phát biểu của TGM Hickey cho độc giả nhận thấy ông không phải là một nhà khoa học. Thuyết tiến hoá chỉ để giải thích nguồn gốc của sự sống, không phải để giải thích nguồn gốc của vũ trụ như TGM phát biểu. Nguồn gốc của vũ trụ được giải thích bằng những lý thuyết khác trong Vật lý và Vũ trụ học mà tiêu biểu nhất là Lý thuyết Dây (String theory) và thuyết Big Bang (Big Bang theory). Sự sống cũng không phải “nghĩa là, hệ quả của may rủi”. Đó là kết quả của một chuỗi từng bước tiến hoá có sự chọn lọc tự nhiên, chứ không phải chỉ hoàn toàn may rủi. Sự chọn lọc tự nhiên là một tiến trình tích luỹ và tiệm tiến để giải thích tính xác suất không thể xảy ra (improbability). Hơn nữa, thuyết Thiết kế Thông minh (Intelligent Design) không phải là một “thuyết mới”. Đó là một phó sản của thuyết Sáng tạo có xuất xứ từ cuốn Sáng thế ký của kinh Cựu ước. Có thể cho rằng thuyết Thiết kế Thông minh có nguồn gốc từ Thomas Aquinas ở thế kỷ 13, mặc dù các triết gia cổ Hy lạp cũng đã bàn tới.
Nhận xét của TGM Hickley rằng thuyết Thiết kế Thông minh “không đòi hỏi niềm tin vào một đấng Hoá công” thì không hợp lý, bởi vì nếu không có một giả định của đấng Hoá công thì sẽ không có thể giải thích được nguyên nhân đầu tiên (First Cause), và như vậy, thuyết Thiết kế Thông minh sẽ trở thành vô dụng. Điều chủ yếu của thuyết Thiết kế Thông minh là thiết lập thêm một giả định khác (Thượng đế hay Hoá công) để giải thích một giả định (nguyên nhân đầu tiên), do đó, nó không phải là “một bước tiến giải thích”. Đó hiển nhiên chẳng phải là giải thích. Đúng hơn, đó là lối giải thích thụt lùi làm điều muốn giải thích tối tăm thêm. Hơn nữa, câu hỏi rằng ai đã tạo dựng nên đấng Hoá công để phản bác thuyết Thiết kế Thông minh vẫn chưa có câu trả lời. Vẫn chưa có ai có thể giải thích được tại sao đấng Hoá công có thể hiện hữu mà không cần một nguyên nhân đầu tiên. Tại sao tiền đề giả định mọi sự hiện hữu đều có một nguyên nhân đầu tiên lại không áp dụng cho tất cả, kể cả đấng Hoá công?
Tác giả có vẻ cố tình quên sự kiện rằng, sau hằng trăm năm chống đối, đức Giáo hoàng John Paul II của Công giáo La Mã đã công khai tuyên bố thừa nhận thuyết Tiến hoá vào ngày 26/10/1996, 9 năm trước ngày có hội nghị nói trên. [12] Vatican công khai nhìn nhận Thiết kế Thông minh không phải là một lý thuyết đúng đắn, và nó không nên được dạy cho các học sinh.
Cũng nên ghi nhận rằng, Thiết kế Thông minh hiện nay đã bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi chương trình giảng dạy ở các trường trung học công lập ở Mỹ và được thay thế bởi thuyết Tiến hoá của Charles Darwin. Người ta thường hay lầm lẫn giữa sự kiện (facts) và lý thuyết (theory). Tiến hoá là một sự kiện đã được chứng minh qua các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và được xác định bởi những khám phá của Nhân chủng học, Sinh vật học và Địa chất học; trong khi lý thuyết Tiến hoá bằng sự chọn lọc tự nhiên của Darwin là một giả thuyết để giải thích cơ chế tiến hoá (mechanism of evolution), bao giờ cũng nên được bàn cãi trên cơ sở tính xác suất của các chân lý khoa học. Dù có hay không lý thuyết Tiến hoá, muôn loài muôn vật vẫn cứ tiếp tục tiến hoá từ những đơn bào thành các chủng loại sơ đẳng rồi mới tiến dần đến phức tạp, tinh vi và thông minh hơn. Cũng như trái táo rụng xuống đất là một sự kiện. Dù có hay không lý thuyết về hấp lực trái đất của Newton, trái táo vẫn cứ tiếp tục rụng xuống đất. Như vậy, nếu không có các nhà khoa học thì vẫn có sự tiến hoá; ngược lại, nếu không có các nhà tôn giáo thì sẽ chẳng bao giờ có Thiết kế Thông minh. Nghiên cứu thống kê cho biết hiện có 99.85% các nhà khoa học về Sinh vật học và Địa chất học cùng nhìn nhận thuyết Tiến hoá là thuyết đúng đắn nhất để giải thích mọi nguồn gốc của sự sống. [13]
Đọc một bản tin có quá nhiều mâu thuẫn với các sự kiện khoa học của tác giả Nguyễn Việt Nam, độc giả không thể không tự hỏi phải chăng đó là những lầm lẫn có chủ ý của những nhà tôn giáo.
Tóm lại, khoa học và tôn giáo là hai thực thể thường hay xung khắc. Mục đích của khoa học là khám phá ra chân lý, cái đang là, cái chân như, không phải cái mong muốn; trong khi các tôn giáo trong nhóm độc thần giáo, bằng mọi cách, lại lo bảo vệ những tín điều nghịch lý, được tin là tuyệt đối vĩnh hằng, không thể sai lầm, và có nguồn gốc từ Thánh kinh viết vào thời tiền khoa học cách nay đã hơn hai ngàn năm. Lập luận bằng cách nêu ra niềm tín ngưỡng của các bộ óc thông minh xuất chúng để cố chứng minh cho sự tồn tại của Thượng đế thì không có giá trị, và vấn đề thường không được trình bày một cách trung thực. Bảo vệ và phục vụ cho tôn giáo luôn luôn là bổn phận trước tiên của các nhà tôn giáo; do đó, họ phải cố gắng làm các chân lý khoa học mất sự tín nhiệm, nếu các chân lý được khoa học khám phá đối nghịch với giáo lý của tôn giáo họ. Đó là nét đặc trưng của các nhà tôn giáo khi họ bàn về những điều liên quan đến khoa học.
Nhưng bảo vệ và phục vụ tôn giáo hay bảo vệ và phục vụ chân lý, điều nào quan trọng hơn?
Trần Tiên Long
© 2007 talawas